Dưới mái trường

Chuyện đã cũ... của cô Quỳnh

Đại học Lạc Hồng sự lựa chọn của hơn 50.000 người học trong suốt 25 năm qua. Một cộng đồng Lạc Hồng lớn mạnh vì ở đó là tâm huyết và sự cộng lực của hàng trăm cán bộ giảng viên, nhân viên. Hiện tại, cộng đồng hiện hữu ở Lạc Hồng là 12.000 học viên – sinh viên. Và có gần 40.000 cựu sinh viên – học viên đã tốt nghiệp.

Đại học Lạc Hồng

Cô Quỳnh, (thứ 4 từ trái sang), nữ tiến sĩ "nhỏ tuổi" nhất Trường

Đó không chỉ là những con số được đong đếm, đó là con số biết lưu giữ kí ức. Trong kí ức hiện hữu lòng nhiệt huyết và sâu trong đó là giá trị tâm hồn của mỗi thầy cô giáo. Một trong kí ức đó, có câu chuyện của cô Quỳnh … (TS. Nguyễn Thị Như Quỳnh – Trưởng Khoa Dược, Đại học Lạc Hồng. Cô Quỳnh về Trường công tác vào năm 2016, đến năm 2018 cô được bổ nhiệm chức vụ trưởng Khoa Dược. Từ một giảng viên trẻ thuộc thế hệ giữa 8X hội đủ tâm huyết, chuyên môn và cả tầm “điều binh” để có thể nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo cấp trên, sự ủng hộ quy thuận của đội ngũ cấp dưới và nhất là sự yêu mến của hàng ngàn sinh viên Dược Khoa. Trong một thời gian ngắn, Cô Quỳnh cùng với đội ngũ sư phạm trẻ, nhiệt huyết, dần thay màu áo mới trong mọi hoạt động của Khoa Dược - khoa chuyên môn “chủ lực” với lượng sinh viên theo học nằm trong “top” của Trường.).

Đặt mình trong cương vị là một giáo viên, chuyện của cô Quỳnh không chỉ là lời cô nhắn nhủ bản thân, mà nhắn gửi cho những bạn trẻ yêu và chọn nghề giáo, nhắn gửi cho những anh, chị, em đồng nghiệp… tâm sự “nhỏ” nhưng đáng phải suy ngẫm trước khi vào nghề.

-------------------------

“Một câu chuyện đã cũ…

Khi tôi cho con đi học, người thầy của con đã hỏi tôi: “Chị muốn con chị trở thành một SẢN PHẨM tối ưu không?”

Tôi trả lời “Dạ có. Nhưng con tôi là đứa trẻ từng bị tổn thương tâm lí, nhút nhát, ủy mị, bỏ cuộc và chưa biết cố gắng….”

Đại học Lạc Hồng

Sinh viên dù là "cát'" nhưng nếu thầy cô là nghệ nhân

thì đều có thể trở thành tác phẩm

Là một người mẹ, tôi mong mỏi con tôi là đứa trẻ sinh ra có tố chất hơn người, cộng thêm những điều kiện tốt mà tôi cho con, tôi tin và hi vọng rằng con tôi sẽ trở thành một sản phẩm tối ưu khi được rèn luyện. Nhưng với các khuyết điểm mà con tôi có, tôi lo rằng niềm mong mỏi sẽ làm tôi thất vọng. Và có lúc tôi nghĩ rằng không thể sửa chữa nữa.

Thầy nhìn tôi rồi nói: “Con chị không phải là một SẢN PHẨM, càng không phải là một SẢN PHẨM TỐI ƯU. Mà con chị là một TÁC PHẨM. Chúng tôi cùng chị dạy dỗ con chị trở thành một TÁC PHẨM nhé.”

Tôi nhìn thầy và tự hỏi: Vậy thế nào là một SẢN PHẨM và thế nào là một TÁC PHẨM?

Chúng ta từng thấy các tác phẩm rất đẹp từ kim cương, nhưng chúng ta cũng từng thấy các tác phẩm rất tuyệt vời từ cát, sỏi, đá hoặc từ nhiều nguồn nguyên liệu khác. Chính những nghệ nhân là những người luôn nhìn ra “nét đẹp” của từng nguyên liệu họ cầm trên tay, dù đó có thể là những thứ mà người khác xem là tầm thường đi nữa, để tạo ra được các tác phẩm tuyệt vời ấy.

Sản phẩm hay tác phẩm đều là những thứ được tạo ra, nhưng sản phẩm được sản xuất hàng loạt, còn tác phẩm thì mỗi cái đều có nét đẹp riêng, có “cái hồn” của nó nhờ vào bàn tay và khối óc của những NGHỆ NHÂN tâm huyết.

Vậy còn CON của bạn thì sao?

Tố chất của trẻ vốn dĩ không giống nhau, có thể là “viên đá”, là “khúc gỗ”, là “cát”, là “sỏi”, là “lá cây” hay có thể là “kim cương”. Và ngay cả khi tố chất đó là “kim cương”, thứ được xem là quý giá mà ai cũng ao ước thì nó vẫn có hàng tá những điểm không hoàn hảo như cha mẹ mong đợi. “Kim cương” cũng có nhiều loại “kim cương”. Và bạn có nhìn thấy được các ưu điểm của con bạn trong hàng tá các khuyết điểm chưa?

KHI TRỞ THÀNH CHA MẸ, THÌ BẠN LÀ MỘT NGHỆ NHÂN. Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có những “nét đẹp” riêng. Bạn nhất định phải thấy được cái đẹp trong tố chất của con bạn bất kể đó là gì. Chính bạn là người đẽo gọt, rèn dũa, dạy dỗ, … Chỉ cần bạn có tâm huyết và tình yêu thương, thì con bạn sẽ thành một tác phẩm với vẻ đẹp đặc trưng của riêng nó. Sỏi, đá, cát hay lá cây… cũng có thể trở thành một tác phẩm tuyệt vời.

Vậy còn NGHỀ GIÁO của chúng ta thì sao?

Tôi đã từng nhìn thấy bảng điểm của một em học sinh, tất cả các môn 10 tuyệt đối. Tôi hỏi bạn: “Sao con giỏi vậy? Các bạn ở lớp thì sao?” Bạn trả lời: “Cũng như con ah, chỉ vài bạn có điểm 9”.

 

Trong lòng tôi lúc đó thật sự rất chua xót. Không biết từ lúc nào trẻ con Việt Nam đều là thiên tài xuất chúng như vậy. Chúng ta đang tạo ra những sản phẩm hàng loạt hay các tác phẩm có những “nét đẹp” riêng? Có phải chúng ta đang đào tạo ra một thế hệ “robot” được lập trình như nhau? Hay chúng ta đào tạo ra một thế hệ "có vẻ" là "kim cương"?

Ở trường đại học, chắc hẳn ai cũng mong rằng sinh viên mà chúng ta gặp đều giỏi, để mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng sinh viên mà chúng ta gặp có phải tất cả đều là “kim cương”? Chắc hẳn là không rồi, tố chất đó có thể là “sỏi” “cát” “lá cây” hay có khi là “vỏ trứng”. Tố chất trong mỗi con người là không giống nhau.

Và chúng ta đã làm gì để tạo ra các TÁC PHẨM ĐẸP NHẤT?

Chúng ta có tình yêu thương, có cái nhìn bao dung, có trách nhiệm, có lòng kiên nhẫn, bất kể đó là “đá” “sỏi” “cát” hay “kim cương”, chúng ta đều luôn nhìn ra được “nét đẹp” trong mỗi tố chất, dốc lòng mài dũa. Chúng ta cùng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời nhất, vì đó là nghề nghiệp mà chúng ta đã chọn. CHÚNG TA ĐÃ CHỌN LÀ MỘT NHÀ GIÁO, CŨNG CHÍNH LÀ MỘT NGHỆ NHÂN”

(Theo bài viết của cô Quỳnh)

----------------------------

Tại Đại học Lạc Hồng trong 25 năm qua, hàng chục ngàn sinh viên đến, neo lại, rồi đi… và cho dù bất kể các bạn là “đá” “sỏi” “cát” hay “kim cương” đều đã cùng nhau đón nhận tầng kiến thức tốt nhất, cùng nhau đón nhận tâm huyết và sự nhiệt tình của thầy cô giáo nơi đây. Mỗi sinh viên đến với Đại học Lạc Hồng đều là những tác phẩm tuyệt vời nhất. Và ở Lạc Hồng, mong rằng không chỉ cô Quỳnh mà mỗi thầy cô giáo cũng chính là những nghệ nhân “sáng tác” những “tác phẩm nghệ thuật” đẹp nhất cho cộng đồng Lạc Hồng lớn mạnh.

Diễm Nhi

Chuyện đã cũ... của cô Quỳnh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,542,026       1/637